* Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về tình hình phát triển của cộng đồng doanh nghiệp BR-VT trong thời gian qua?
- 5 năm qua, cộng đồng doanh nghiệp Bà Rịa-Vũng Tàu đã trải qua nhiều biến cố, khó khăn, nhưng điều đáng mừng là các doanh nghiệp vẫn phát triển ổn định. Nếu coi 7.500 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh giống như một cơ thể sống, thì tôi nghĩ rằng đó là một cơ thể khỏe mạnh. Điều này được minh chứng rõ nét trong thời kỳ suy giảm kinh tế toàn cầu: Giai đoạn đầu suy giảm kinh tế, các nhà quản lý dự báo khả năng các doanh nghiệp phá sản hoặc ngưng hoạt động chiếm tỷ lệ cao. Nhưng thực tế điều này đã không xảy ra. Trong hai năm 2008 - 2009, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập không giảm, số doanh nghiệp ngừng hoạt động cũng không đáng kể.
Qua giai đoạn suy giảm kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp của BR-VT trưởng thành rất nhiều. Dường như càng đối mặt với nhiều khó khăn thì ý thức vươn lên càng mạnh.
* Theo ông điều gì làm nên sức sống của doanh nghiệp BR-VT?
- Bản lĩnh và sự nhạy bén. Trong bối cảnh kinh tế nước ta hội nhập sâu rộng, các doanh nghiệp mạnh dạn xâm nhập vào các lĩnh vực khá gai góc. Nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đổi mới công nghệ, cơ cấu lại mặt hàng, thậm chí thay đổi lĩnh vực sản xuất kinh doanh mới và nhiều doanh nghiệp đã rất thành công. Năm 2008, lúc tình hình xuất khẩu rất khó khăn, hàng xuất khẩu tồn đọng do thị trường nước ngoài không “ăn” hàng, nguồn nguyên liệu khan hiếm, các doanh nghiệp vừa cố gắng cầm cự, vừa nắm bắt thời cơ, tìm kiếm thị trường mới, khai thác hiệu quả thị trường nội địa… Trong lúc tình hình xuất khẩu suy giảm thì một số doanh nghiệp vẫn đạt mức tăng trưởng đến 300%.
* Theo ông, những cơ chế, chính sách của tỉnh dành cho các doanh nghiệp thời gian qua đã “thoáng” chưa?
- Trong những năm qua, các ngành, các cấp và chính quyền trong tỉnh đã cố gắng tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Rất nhiều thủ tục hành chính đã được sửa đổi theo hướng tích cực, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, trong đó, đáng ghi nhận nhất là chủ trương đẩy mạnh cải cách hành chính đã trở thành khâu đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, thu được nhiều kết quả, tạo cơ chế “thoáng” cho doanh nghiệp. Dĩ nhiên, “thoáng” không có nghĩa là hết khó khăn, vướng mắc.
* Cụ thể là gì, thưa ông?
- Thủ tục hành chính một số nơi vẫn còn ách tắc, gây khó cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. Nhưng khó khăn nhất là việc chậm bàn giao mặt bằng cho các dự án của doanh nghiệp. Có những dự án chỉ còn vướng 1 hộ dân nhưng tiến độ bàn giao mặt bằng chậm đến 5-7 năm. Điều này có nguyên nhân do các địa phương, các cấp, các ngành thời gian qua phối hợp chưa thật sự hiệu quả và xử lý thiếu quyết liệt.
* Trong thời gian tới tỉnh sẽ làm gì để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển?
- Có nhiều việc chúng tôi phải làm, trước hết là chính sách xã hội hóa, nhất là trên các lĩnh vực dịch vụ công, dịch vụ văn hóa xã hội, dịch vụ đời sống xã hội. Khi ta thực hiện chủ trương xã hội hóa triệt để thì sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ nghiên cứu một số chính sách kiến nghị với Trung ương chấp nhận cho tỉnh cơ chế thông thoáng hơn đối với một số lĩnh vực, chẳng hạn như dịch vụ logictics, hoặc một số lĩnh vực tỉnh đang gặp khó khăn nhưng cần thu hút đầu tư phát triển. Song song đó, tỉnh sẽ tiếp tục hoàn chỉnh kết cấu cơ sở hạ tầng để các vùng dự án triển khai tốt, từ đường sá đến hệ thống hạ tầng khác như điện, nước, thoát nước… Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính cũng là một giải pháp hữu hiệu để đưa hệ số cạnh tranh cấp tỉnh lên những thứ bậc cao hơn.
* Xin cảm ơn ông!
Theo Báo BR-VT