Tìm kiếm
Đăng ký nhận tin

Thông tin mới nhất chuyên về du lịch từ vungtautourist.net sẽ được chuyển tải đến hộp thư của bạn

Gửi

Ý kiến khách hàng

Bạn cảm thấy thế nào về phong cách phục vụ của chúng tôi?

Thông tin VungTauTourist
Đầu tư, tôn tạo Hòn Bà: Ðiểm du lịch tâm linh hấp dẫn

(07/09/2011 09:17 - Số người truy cập: 3649)

Một kế hoạch tổ chức tọa đàm khoa học nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Miếu Bà (tọa lạc tại Hòn Bà, TP. Vũng Tàu) phục vụ phát triển du lịch vừa được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh chuẩn bị. Trong xu thế du lịch tâm linh ngày càng phổ biến và phát triển mạnh thì ý tưởng trên nhận được sự đồng thuận của nhiều tầng lớp nhân dân.

Hàng ngàn người hành hương ra Hòn Bà vào dịp Rằm tháng 7 vừa qua

Không chỉ có ý nghĩa về mặt văn hóa, tâm linh, theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu, trong tổng thể cảnh quan của Bãi Sau, vị trí của Hòn Bà rất đẹp, không gian yên bình, tĩnh lặng. Nếu được đầu tư, tôn tạo và có hướng khai thác phù hợp, nơi đây sẽ là điểm nhấn cho toàn tuyến du lịch Bãi Sau.

Tuy vậy, từ nhiều năm nay, việc đi lại, thăm viếng Miếu Bà chưa thuận lợi vì phụ thuộc hoàn toàn vào thủy triều. Mỗi tháng người dân chỉ có thể ra Hòn Bà vào 4 ngày nước ròng. Khi thủy triều xuống, lộ ra một lối đi bằng đá gập ghềnh nối từ mũi Nghinh Phong ra Hòn Bà, khách hành hương phải men theo lối này để ra Hòn Bà. Đá lởm chởm, sắc nhọn, trơn trượt, chỉ cần sơ sẩy sẽ té ngã, chưa kể nếu quay trở về đất liền khi thủy triều lên hoặc trời tối mức độ nguy hiểm sẽ tăng lên.

Để có cơ sở khoa học đánh giá chính xác giá trị văn hóa, tâm linh của Miếu Bà và cảnh quan Hòn Bà trong tổng thể Bãi Sau, từ đó có phương án đầu tư, tôn tạo nơi này phục vụ phát triển du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh xây dựng kế hoạch tổ chức tọa đàm khoa học. Theo đó, dự kiến nội dung tọa đàm gồm các vấn đề: Công bố kết quả nghiên cứu nguồn gốc, giá trị văn hóa, tín ngưỡng thờ Thủy Long thần nữ ở Nam bộ và Bà Rịa-Vũng Tàu; vị trí của di tích Miếu Bà trong đời sống tâm linh của ngư dân Vũng Tàu; mối quan hệ của Miếu Bà và Hòn Bà trong tổng thể khu di tích Đình thần Thắng Tam và trước nhu cầu phát triển du lịch của TP. Vũng Tàu; những ý tưởng nâng cấp, cải tạo cảnh quan Hòn Bà và khu vực mũi Nghinh Phong; quan điểm, mục tiêu, giải pháp quản lý nhà nước về bảo tồn và phát huy di tích danh thắng trên địa bàn tỉnh nói chung và Miếu Bà-Hòn Bà nói riêng… Các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử tên tuổi như: Dương Trung Quốc, Huỳnh Ngọc Trảng, Đinh Văn Hạnh; các tổ chức nghề nghiệp trong tỉnh như: Hội nghề cá, hội kiến trúc sư, hội nhà báo, hội văn học nghệ thuật…, các ý kiến phản biện của dư luận… sẽ góp mặt tại tọa đàm.

Theo ông Đỗ Quốc Hùng, Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh, trước mắt việc xây dựng cây cầu nối mũi Nghinh Phong với Hòn Bà để người dân và khách hành hương đến Miếu Bà dễ dàng hơn là rất cần thiết. “Trong bối cảnh TP.Vũng Tàu đang thiếu các sản phẩm du lịch mang tính cạnh tranh, việc kết nối mũi Nghinh Phong với Hòn Bà để tạo thành một cụm du lịch văn hóa-tâm linh có ý nghĩa quan trọng. Dưới biển có thể tổ chức các môn thể thao biển vì khu vực này như một vịnh biển để sau khi tham quan các địa danh trong thành phố, leo núi du khách có thể thỏa sức vẫy vùng, vui chơi. Làm được điều này sẽ góp phần kéo dài thời gian lưu trú của khách, làm tăng doanh thu cho ngành du lịch”, ông Hùng nói.

Bài, ảnh: Đan Châu

Tương truyền, vào năm 1781 ông Nguyễn Quang Minh, hương chức thôn hội làng Thắng Tam đã bỏ công sức và kinh phí xây dựng một ngôi miếu nhỏ trên đảo gọi là Miếu Bà. Miếu Bà thờ bà Thủy Long thần nữ. Năm 1939, một sỹ quan người Pháp tên Archi-nard cho bắn bể miếu nhưng chỉ có một phát trúng vào góc miếu. Viên sĩ quan này đã bỏ mạng tại đây do một lần bất cẩn khi dùng súng. Vì vậy, người Pháp đặt tên cho hòn đảo là Archi-nard, nhưng người dân Vũng Tàu vẫn quen gọi tên hòn đảo này là Hòn Bà. Trải qua nhiều lần trùng tu Miếu Bà mới có nguyên trạng như hiện nay: nền ngôi miếu có chiều cao nổi trên mặt đất là 4m, trong là điện thờ, bên dưới có một tầng hầm dài 6m rộng 3m.

Theo Báo BRVT

Video
Hỗ trợ trực tuyến
Hotline
064.3856 445
Quảng cáo
Số người truy cập